09 33 11 33 66
info@luatvietan.vn
Email: info@luatvietan.vn

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo định nghĩa mới nhất tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, có hiệu lực 01/01/2023 thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là việc chủ sở hữu sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp thực hiện xác lập quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ để yêu cầu bảo hộ cho thành quả sáng tạo của mình. Đồng thời, là thủ tục đảo bảo tránh mất tính mới của kiểu dáng công nghiệp trước khi đưa sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp mới ra thị trường.

Dang ky kieu dang cong nghiep

LUẬT SƯ TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ  – 097 618 66 08

Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp cũng như tìm hiểu tổng thể các điều kiện, cách thức đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, Công ty luật Việt An xin hướng dẫn chi tiết điều kiện, thủ tục như sau:

Lý do cần đăng ký kiểu dáng công nghiệp thông qua Công ty luật có tư cách Đại diện Sở hữu trí tuệ

  • Các công ty luật là Đại diện Sở hữu trí tuệ mới thực sự là các đơn vị có chuyên môn và kinh nghiệm để tư vấn, đánh giá tốt nhất khả năng kiểu dáng công nghiệp thành công khi đăng ký. Để có chứng chỉ hành nghề Đại diện Sở hữu trí tuệ không đơn giản mà người hành nghề phải học và thi chứng chỉ độc lập với chứng chỉ luật sư.
  • Các đơn vị Đại diện Sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phản đối đơn, từ chối đơn của Quý khách hàng trong quá trình nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
  • Tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ có chức năng ký đơn thay cho chủ đơn và đại diện chủ đơn làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.
  • Quý khách hàng cần lưu ý phân biệt công ty luật có chức năng Đại diện Sở hữu trí tuệ và công ty luật không có chức năng đại diện ở chỗ: Nếu là công ty có chức năng đại diện sở hữu công nghiệp thì sẽ thay mặt khách hàng ký toàn bộ hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện khách hàng trao đổi, phúc đáp mọi thủ tục liên quan đến đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, khách hàng thông qua công ty luật có tư cách đại diện chỉ cần ký ủy quyền cho công ty luật thì công ty luật sẽ đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục liên quan.
  • Hiện nay, có một số công ty luật, công ty tư vấn không có chức năng Đại diện Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn nhận dịch vụ. Trên thực tế, đã xảy ra một thực trạng là, yêu cầu khách hàng ký đơn, hồ sơ nộp đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đi nộp thay khách hàng. Dẫn tới nếu khách hàng có sự thay đổi về địa chỉ, Cục Sở hữu trí tuệ theo các thông tin đăng ký gửi thông báo thủ tục liên quan nhưng khách hàng không nhận được hoặc không phản hồi kịp thời dẫn tới đơn bị từ chối là điều thật đáng tiếc.
  • Công ty luật Việt An là một tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ nên quý khách hàng sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi khi sử dụng dịch vụ về đăng ký kiểu dáng công nghiệp của chúng tôi.

Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới:

  • Phải có tính mới so với thế giới: kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
  • Kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới so với chính nó. Theo đó trước khi kiểu dáng công nghiệp được nộp đơn đăng ký, chủ đơn không nên công bố kiểu dáng vì sẽ làm mất tính mới của chính nó.

Kiểu dáng công nghiệp phải có tính sáng tạo:

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng áp dụng công nghiệp:

Tức là kiểu dáng công nghiệp có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo, sản xuất công nghiệp, hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Lưu ý về điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  • Kiểu dáng công nghiệp chỉ được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Người muốn được hưởng độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp phải trực tiếp nộp đơn cấp văn bằng bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc uỷ quyền cho một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ đã được cấp chứng chỉ hành nghề như Công ty Luật Việt  An để thực hiện các công việc có liên quan.
  • Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
  • Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau, cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Trong thực tế và kinh nghiệm tư vấn cho khách hàng có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp chúng tôi gặp nhiều trường hợp có cùng điểm chung là đã sử dụng kiểu dáng công nghiệp rồi sau đó mới tìm đến tư vấn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp như vậy thì đã muộn mất rồi. Bởi lẽ, kiểu dáng công nghiệp chỉ có thể được cấp bằng bảo hộ khi đáp ứng tính mới (mới so với thế giới) và mới so với chính nó. Tức là doanh nghiệp muốn được cấp bằng bảo hộ độc quyền phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp trước khi đưa kiểu dáng vào sử dụng hoặc chưa bán sản phẩm chứa kiểu dáng trên thị trường.

Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  • Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký tại Việt Nam.
  • Cá nhân, tổ chức Việt Nam, các nhân, tổ chức nước ngoài đều có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
  • Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam phải được nộp thông qua tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ.

Tại sao cần bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp làm tăng sức hút của một sản phẩm, hàng hóa đối với người tiêu dùng. Thậm chí, một sản phẩm bán chạy chỉ là nhờ kiểu dáng độc đáo riêng có của sản phẩm. Do đó, bảo hộ kiểu dáng cho sản phẩm là một chiến lược quan trọng của bất kỳ sản phẩm nào của doanh nghiệp. Những lợi ích mà việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang lại bao gồm:

  • Được độc quyền sử dụng, tránh được sự bắt chước, làm giống của các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm, nâng cao được vị thế kinh doanh của đơn vị trên thị trường;
  • Yên tâm để quảng bá sản phẩm để thu hồi vốn cho đơn vị, thu hồi chi phí sáng tạo ra sản phẩm;
  • Kiểu dáng độc quyền giúp gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, định vị được hình ảnh của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng;
  • Nhờ được độc quyền chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể thực hiện nhượng quyền, li xăng thu lợi cho quá trình đầu tư cho kiểu dáng sản phẩm;
  • Việc độc quyền kiểu dáng giúp gia tăng việc cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển, đa dạng mẫu mã hàng hóa, tiếp cận được nhiều nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Các loại kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam

  • Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện qua hình khối, đường nét hoặc kết hợp các yếu tố này.

Ví dụ một kiểu dáng được cấp bằng bảo hộ độc quyền: Kiểu dáng chai được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số: 3-0006505-000 năm 2001.

  • Kiểu dáng công nghiệp là nhãn hàng hóa, bộ nhãn hàng hóa của sản phẩm bao gồm các yếu tố hình khối, đường nét được thể hiện hoặc kết hợp trên nhãn của sản phẩm

Ví dụ một kiểu dáng được cấp bằng bảo hộ độc quyền về nhãn hàng hóa: Kiểu dáng công nghiệp cho bộ nhãn hàng hòa được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số: 3-0026147-000 năm 2018.

Kieu dang cong nghiep

Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam

Theo qui định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một số đối tượng không được bảo hộ với tư cách là kiểu dáng công nghiệp như:

  • Hình dáng bên ngoài được quyết định hoàn toàn bởi chức năng của sản phẩm;
  • Hình dáng bên ngoài của các công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
  • Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị kiểu dáng công nghiệp và phân loại kiểu dáng công nghiệp

  • Khi doanh nghiệp có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký cần lưu ý quan trọng là phải chưa sử dụng, công bố công khai kiểu dáng trên bất kỳ phương tiện nào nhằm đảo bảo tính mới của kiểu dáng khi đăng ký.
  • Kiểu dáng đăng ký có thể đăng ký 1 phương án, hoặc nhiều phương án, có thể đăng ký 1 ảnh hoặc nhiều ảnh chụp của kiểu dáng dưới nhiều góc độ chụp ảnh khác nhau.
  • Số phương án đăng ký càng nhiều, ảnh, hình vẽ đăng ký càng nhiều thì lệ phí nộp đơn càng tăng.
  • Phân loại lớp kiểu dáng công nghiệp. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại).

Bước 2: Tra cứu kiểu dáng công nghiệp

Để đánh giá khả năng đăng ký thành công kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian của chủ đơn, chủ đơn nên tiến hành việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp để đánh giá khả năng bảo hộ trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Ưu điểm tra cứu kiểu dáng công nghiệp

  • Đánh giá chính xác khoảng 80% khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp trước khi tiến hành việc nộp đơn. Điều này giúp Quý Công ty cũng như Công ty luật Việt An có thể ước lượng được khả năng đăng ký thành công của kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp đơn đăng ký.
  • Giả sử trong trường hợp kết quả tra cứu thể hiện khả năng thành công không cao, Công ty luật Việt An sẽ cung cấp cho Quý Công ty dịch vụ tư vấn để có thể nâng cao khả năng đăng ký thành công. Trong trường hợp kết quả tra cứu thể hiện khả năng thành công cao thì việc nộp đơn lúc đó rất an toàn và chủ động nộp đơn đăng ký.

Bước 3: Nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm các tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ. Cụ thể, các hồ sơ sau:

  • Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp được làm theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ ban hành (in 03 bộ). Vui lòng liên hệ trực tiếp Luật Việt An để được cung cấp mẫu tờ khai theo quy định.
  • Giấy uỷ quyền (theo mẫu của Công ty luật Việt An);
  • Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp
  • Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp (in 03 bộ);
  • Trong trường hợp trên kiểu dáng có chứa các dấu hiệu nhãn hiệu: người nộp đơn cần nộp tài liệu xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu. Cụ thể: Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Giấy chứng nhận quyền thừa kế; Giấy chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động) (01 bản);
  • Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp xin hưởng quyền ưu tiên cần cung cấp thêm bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày tại triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế (01 bản). Quyền ưu tiên chỉ áp dụng cho đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
  • Chứng từ nộp lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Tại thời điểm nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp chủ đơn chưa có đủ hồ sơ gốc, để lấy ngày ưu tiên sớm chủ đơn có thể nộp sau các giấy tờ gốc theo thời hạn như sau:

  • Giấy uỷ quyền bản gốc có thể nộp sau trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, khi nộp đơn vẫn cần nộp bản phô tô giấy uỷ quyền;
  • Một số tài liệu có thể nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn như: Bản tiếng Việt của bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, nếu trong đơn đã có bản tiếng Anh/Pháp/Nga của tài liệu đó; Chứng từ nộp phí nộp đơn và phí công bố đơn.

Bước 4: Thẩm định hình thức đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  • Thời hạn thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  • Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, ảnh, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân loại,…
  • Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
  • Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Bước 5: Công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  • Thời hạn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
  • Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, ảnh và phân loại kiểu dáng công nghiệp.

Bước 6: Thẩm định nội dung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  • Thời hạn thẩm định nội dung: 09 -12 tháng kể từ ngày công bố đơn.
  • Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp cho chủ đơn đăng ký. Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.
  • Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp đăng ký. Trong trường hợp này, chủ đơn có thể xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp.

Bước 7: Cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

  • Thời hạn cấp văn bằng: 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
  • Sau khi có quyết định cấp văn bằng, chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn Trong nộp lệ phí vấp văn bằng và nhận giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Lệ phí nộp đơn kiểu dáng công nghiệp

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
  • Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
  • Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
  • Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
  • Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
  • Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
  • Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
  • Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 660.000 VNĐ/01 đối tượng với 06 ảnh.
  • Lệ phí đại diện Sở hữu trí tuệ: theo mức phí quy định của mỗi bên.

Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Tại Việt Nam kiểu dáng công nghiệp bảo hộ trong vòng 05 năm kể từ ngày nộp đơn. Và được gia hạn tối đa 02 lần. Theo đó tối đa một kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ sẽ được độc quyền trong vòng 15 năm (nếu gia hạn liên tiếp khi hết hạn). Sau đó kiểu dáng công nghiệp sẽ hết độc quyền và người khác có quyền sử dụng không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.

Phân loại kiểu dáng công nghiệp

Trong tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần thực hiện phân loại kiểu dáng công nghiệp theo bảng phân loại quốc tế Locarno phiên bản thứ 13 để phân loại các sản phẩm phục vụ cho việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, quý khách hàng nên nhờ các đơn vị có chức năng đại diện sở hữu trí tuệ để hỗ trợ việc nộp đơn, phân loại kiểu dáng công nghiệp để đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận về mặt hình thức.

Một số câu hỏi liên quan

Kiểu dáng công nghiệp là gì?

là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Đây là một trong các quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Kiểu dáng công nghiệp đã sử dụng có thể đăng ký bảo hộ không?

Nếu kiểu dáng công nghiệp của bạn dù có tính mới so với các kiểu dáng khác trên thế giới nhưng đơn vị của bạn đã sử dụng hoặc công khai hình ảnh của kiểu dáng sẽ làm mất tính mới so với chính nó nên khi đăng ký sẽ bị từ chối cấp bằng bảo hộ.

Kiểu dáng công nghiệp được gia hạn tối đa bao lần?

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong 05 năm sau đó được gia hạn tối đa 02 lần tiếp theo, sau đó kiểu dáng thuộc về công chúng không bảo hộ độc quyền cho chủ đơn nữa.

Tổng thời gian kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong bao nhiêu năm?

Tổng cả thời gian đăng ký và gia hạn liên tiếp mỗi kiểu dáng công nghiệp sẽ được bảo hộ tối đa 15 năm.

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong phạm vi quốc tế hay quốc gia?

Kiểu dáng công nghiệp nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do đó kiểu dáng công nghiệp đăng ký và được bảo hộ tại nước nào thì chỉ có hiệu lực tại nước đó.

Dịch vụ của Công ty luật Việt An trong lĩnh vực đăng ký kiểu công nghiệp

  • Tra cứu thông tin về sử dụng và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài;
  • Tư vấn, đánh giá khả năng sử dụng, đăng ký bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài;
  • Hoàn thiện hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ (dịch tài liệu hoặc viết bản mô tả kiểu dáng công nghiệp, yêu cầu bảo hộ, chuẩn bị các hình vẽ, làm tờ khai, đại diện) cho khách hàng trong việc nộp đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ, gia hạn văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài;
  • Nghiên cứu và đánh giá khả năng vi phạm các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ;
  • Thực thi các quyền kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ: điều tra, giám sát, thương lượng / hòa giải, khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác xử lý xâm phạm ở Việt Nam và nước ngoài;
  • Đàm phán, soạn thảo, thẩm định, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu các kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, có hiệu lực 01/01/2023 liên quan đến đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Sửa đổi định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp (Điều 4)

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Điều 103)

Luật 2022 được sửa đổi theo hướng đơn giản hoá cụ thể:

  • Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
  • Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp.
  • Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

Công bố muộn đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Điều 110)

Bổ sung quy định cho phép công bố muộn đơn kiểu dáng công nghiệp. Theo đó theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá 07 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp (Điều 86a)

Phần quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia: quyền đăng ký thuộc về Nhà nước.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, tra cứu kiểu dáng công nghiệp, đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong và ngoài nước xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 33 11 33 66
    (Zalo, Viber, Whatsapp) hanoi@vietanlaw.vnSkype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 67 55 66
    (Zalo, Viber, Whatsapp) hcm@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO